Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030

Chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển  
Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo  tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030
Với quan điểm phát triển giáo dục, đào tạo gắn với phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh Hà Nam theo hướng chuẩn hoá, tiên tiến và hiện đại, phù hợp với yêu cầu hội nhập trong nước và khu vực. Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt tại Quyết định 1102/QĐ-UBND ngày 24/9/2013. Trên cơ sở Quy hoạch đã được phê duyệt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch số 1913/KH-UBND ngày 31/10/2013 với những nội dung chủ yếu sau:
- Mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo:
 Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong đó chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn, coi trọng giáo dục truyền thống, ý thức chấp hành pháp luật; duy trì vững chắc chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2013.
 Triển khai dạy học tiếng Anh chương trình mới theo khung tham chiếu châu Âu cho 100% học sinh lớp 3 từ năm học 2011-2012; 100% học sinh lớp 6 từ năm học 2014 -2015 và 100% học sinh lớp 10 từ năm học 2018 – 2019. Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và đầu tư thiết bị để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông.
 Mỗi năm có từ 2 đến 6 trường mầm non, 2 đến 4 trường THCS, 1 đến 2 trường THPT đạt chuẩn quốc gia; phấn đấu đến năm 2020 có 85% trường đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2020: tỉnh phấn đấu đạt phổ cập giáo dục trung học.  
 Tăng cường năng lực và đa dạng hóa hoạt động của các trung tâm GDTXDN, trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) xã, phường, thị trấn theo hướng đáp ứng nhu cầu của người học.
 Hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình phục vụ chung Khu Đại học Nam Cao tạo điều kiện thu hút các trường đại học, cao đẳng có thương hiệu di dời toàn bộ hay bộ phận (hình thành cơ sở II, III của các trường, đơn vị tại Hà Nam).
 Tỷ lệ sinh viên /vạn dân: năm 2012 là 230; năm 2015 đạt 250; đến năm 2020 đạt khoảng 300 (mỗi năm tăng 10 sinh viên /vạn dân); phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt từ 55% trở lên.
- Quy hoạch mạng lưới trường lớp:
 + Giai đoạn: 2013 - 2014:
 Mỗi xã, phường, thị trấn chỉ có 01 trường mầm non, tiểu học và THCS công lập; không thành lập trường THCS công lập mới ở 2 phường của thành phố Phủ Lý và xã Tiên Phong của huyện Duy Tiên. Giải thể 4 trường THPT dân lập.
 Sáp nhập, tổ chức lại các trung tâm giáo dục thường xuyên với trung tâm dạy nghề cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề (huyện) do UBND huyện quản lý trực tiếp; 2 Sở: Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về mặt chuyên môn.
 Sáp nhập Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Hà Nam và Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp Hà Nam thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp tỉnh Hà Nam do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý.
 + Giai đoạn 2015 đến trước 2020:
 Ổn định quy mô các trường mầm non, tiểu học công lập sau năm 2015, tăng cường đầu tư để phát triển nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục công lập; khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân mở các cơ sở giáo dục ngoài công lập.  
 Đối với cấp THCS: các trường quy mô nhỏ (dưới 10 lớp) có thể căn cứ vị trí địa lý phù hợp để sáp nhập thành trường theo mô hình trường THCS liên xã, trường nhỏ trở thành phân hiệu của trường lớn; học sinh ở cự li gần trường nào thì học tại đó, không nhất thiết phải theo địa bàn hành chính; năm 2015 - 2016 mỗi huyện, thành phố thí điểm sáp nhập từ 2 đến 6 trường (trường có dưới 8 lớp); năm 2017 - 2018 tiến hành sáp nhập các trường còn lại.
Mỗi huyện, thành phố có một trường THCS chất lượng cao, tuyển sinh trong toàn huyện, cụ thể: đầu tư, nâng cấp các trường THCS Nguyễn Khuyến, Nguyễn Hữu Tiến, Nam Cao, Đinh Công Tráng. Xây dựng Trường THCS chất lượng cao thành phố Phủ Lý và huyện Kim Bảng trên cơ sở trường THCS Trần Phú, thị trấn Quế; năm 2016 – 2017 xây dựng thí điểm 2 trường: Nguyễn Hữu Tiến, Nam Cao, năm 2018 – 2019 thực hiện các trường còn lại.
 + Tầm nhìn phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030:
 Tất cả các cơ sở giáo dục, đào tạo hoạt động trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng theo hướng chuẩn hoá về cơ sở vật chất tiên tiến, hiện đại và có một số cơ sở đạt trình độ chuẩn của các nước tiên tiến.
 Mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo được xây dựng rộng khắp trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính liên thông giữa các cấp giáo dục và đào tạo, giữa các hình thức tổ chức đào tạo và liên thông với hệ thống giáo dục, đào tạo trong nước và quốc tế. Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được phát triển phủ khắp các điểm dân cư trên toàn tỉnh. Đảm bảo công bằng trong thụ hưởng các dịch vụ giáo dục và đào tạo. Giáo dục hòa nhập được thực hiện ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo; mạng lưới dịch vụ hỗ trợ giáo dục hòa nhập được xây dựng và phát triển trên toàn tỉnh.
Các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp được từng bước hiện đại hóa để năng cao chất lượng và trình độ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; đa dạng hóa về cơ cấu ngành nghề đào tạo và hình thức sở hữu gắn với nhu cầu xã hội và hội nhập trong nước, khu vực và quốc tế.
 Tiếp tục đầu tư, phát triển các trung tâm HTCĐ xã, phường, thị trấn, các TTGDTX và hình thức giáo dục không chính quy nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học. Tổ chức và phát triển xã hội học tập trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân của tỉnh được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, mỗi cá nhân học tập theo ngành nghề, hình thức và học tiếp lên các bậc cao hơn theo nguyện vọng và khả năng của họ. Xây dựng được môi trường ham học, kích thích và khuyến khích học tập, tạo dựng những cơ hội thuận lợi và có khả năng tiếp cận cao cho tất cả người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh được tham gia học tập, đào tạo, đào tạo lại và nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng chuyên môn.
 Đưa vào sử dụng rộng rãi, có hiệu quả các chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo tiên tiến, hiện đại phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo của đất nước và của tỉnh. Xây dựng đồng bộ về cơ cấu để thực hiện giáo dục toàn diện, dạy học phân hóa, dạy học 2 buổi/ngày, dạy học song ngữ Anh-Việt ở một số môn học.
Một số giải pháp chủ yếu được đề ra để thực hiện Quy hoạch là: Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực giáo dục; giải pháp về đất đai, về chuyên môn; thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên; ban hành các cơ chế, chính sách về phát triển giáo dục; xây dựng phương án và cơ chế huy động các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục; khuyến khích đầu tư phát triển các loại hình giáo dục ngoài công lập...
 Việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự tập trung chỉ đạo và tham gia tích cực của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ./.
VX