Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội thảo Dự thảo Báo cáo quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Hội thảo Dự thảo Báo cáo quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
(MPI) – Ngày 19/01/2022, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội thảo Dự thảo Báo cáo quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương chủ trì Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo tỉnh Hà Nam trong công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, các địa phương đang triển khai, hoàn thiện các bản quy hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ, phấn đấu tới năm 2030 có bản quy hoạch chính xác, thống nhất, đồng bộ, hướng tới phát triển các địa phương, các Vùng trong cả nước. Hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các bộ, ngành những vấn đề về mặt định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, … của tỉnh Hà Nam để hoàn thiện dự thảo Báo cáo quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội thảo, đại diện đơn vị tư vấn đã trình bày tổng quan về báo cáo Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cho biết, Hà Nam có lợi thế nằm ở vị trí địa chiến lược là cửa ngõ của vùng Thủ đô Hà Nội; gần nguồn nhân lực chất lượng cao, các cảng hàng không và cảng biển trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Tuy nhiên, Hà Nam có cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Hạ tầng khu công nghiệp, khu logistic, khu du lịch, đô thị, chuyển đổi số chậm được đầu tư mở rộng, nâng cấp và hiện đại hóa.

Báo cáo cũng nêu ra quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam dựa vào khai thác các lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh liền kề với thành phố Hà Nội, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội để Hà Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện, trong đó tập trung phát triển bốn động lực tăng trưởng quan trọng đó là công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao; đô thị; dịch vụ thương mại (du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế, trung tâm mua sắm lớn); nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế của Tỉnh đảm bảo phát triển nhanh, bền vững và chủ yếu dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số và chuyển đổi số. Phát triển kinh tế gắn với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học….

Mục tiêu đến năm 2030, đưa Hà Nam phát triển toàn diện và bền vững trở thành một trong các trung tâm của Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước về công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn. Trung tâm thương mại, dịch vụ logistics và đào tạo nhân lực chất lượng cao của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; du lịch văn hóa, tâm linh; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại và kết nối thuận lợi với các vùng và cả nước. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Hội thảo đã được nghe ý kiến góp ý trực tiếp của các chuyên gia và nhiều ý kiến góp ý bằng văn bản. Các chuyên gia đã đi sâu vào phân tích những lợi thế, hạn chế của tỉnh Hà Nam như tiềm năng về đất đai, hạ tầng giao thông kết nối, nhu cầu nước, quy hoạch vùng thủy lợi, …

Với tinh thần cầu thị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức bày tỏ vui mừng và cảm ơn các chuyên gia, các đại biểu đến từ các bộ, ngành đã có những phân tích, góp ý xác đáng cho bản Dự thảo Báo cáo để tỉnh hoàn thiện thêm các nội dung và sớm có Dự thảo Báo cáo quy hoạch tỉnh Hà Nam một cách tốt nhất.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao các ý kiến góp ý rất tâm huyết của các đại biểu đại diện một số bộ, ngành, các chuyên gia; các ý kiến cơ bản đã bao phủ hết những lĩnh vực quan trọng mà tỉnh Hà Nam đang quan tâm. Đồng thời lưu ý thêm, tỉnh Hà Nam cần quan tâm đến quan điểm, mục tiêu phát triển, trong đó các trụ cột phát triển cần phân tích chi tiết để rõ nét định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư