Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 đã có sự khởi sắc

Tin tức sự kiện  
Sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 đã có sự khởi sắc
(MPI) – Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2020 chỉ đạt 2,34% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,69%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% và là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm 2011-2020. Tuy nhiên sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2020 ước tính tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2019 (quý I tăng 5,1%; quý II tăng 1,1%; quý III tăng 2,34%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% (quý I tăng 7,12%; quý II tăng 3,38%; quý III tăng 3,86%), đóng góp 1,02 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%, đóng góp 0,18 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,35% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm mạnh 14,1% và khí đốt tự nhiên giảm 9,1%) làm giảm 0,32 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Xét theo công dụng sản phẩm công nghiệp, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian (phục vụ cho quá trình sản xuất tiếp theo) 9 tháng tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019; sản phẩm phục vụ cho sử dụng cuối cùng tăng 3% (trong đó sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của dân cư tăng 3,7%).

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp trong 9 tháng năm 2020, đặc biệt đối với ngành chế biến, chế tạo. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm 2019: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 32,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 12,2%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 8,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 7,4%; sản xuất đồ uống giảm 6,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 5,8%; sản xuất trang phục giảm 4,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 3,8%...

Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm 2019 và đóng góp lớn vào mức tăng chung của toàn ngành: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 34,4%; khai thác quặng kim loại tăng 14,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,6%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 9 tháng năm 2020 giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm 2019: Đường kính giảm 22,7%; khí hóa lỏng LPG giảm 16,7%; bia giảm 14,6%; dầu thô khai thác giảm 14,1%; ô tô giảm 11,8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 8,5%; xe máy giảm 6,5%; quần áo mặc thường giảm 6,2%; sắt, thép thô giảm 6,1%; thức ăn cho gia súc giảm 2,3%...

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2020 tăng 1,2% so với tháng 8/2020 và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,5%), trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 71,5%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 13,2%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 6,5%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 6,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 5,8%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,8%; sản xuất kim loại tăng 2,5%; in, sao chép bản ghi các loại và sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác cùng tăng 1,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 1,4%...

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2020 tăng 24,3% so với cùng thời điểm năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 17,2%), trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Sản xuất đồ uống tăng 15,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 11,4%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 6,5%; sản xuất kim loại giảm 5,4%; sản xuất thiết bị điện giảm 7,8%...Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm 2019. Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 143,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 80,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 59,4%....

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm nay khá cao với 75,6% (cùng kỳ năm 2019 là 72,1%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Dệt 119,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 108,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 104%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 97,2%; sản xuất chế biến thực phẩm 96,5%; sản xuất xe có động cơ 91,9%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/9/2020 tăng 1,3% so cùng thời điểm tháng 8/2020 và giảm 1,7% so với cùng thời điểm năm 2019, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 1,8%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 4%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 0,7%. Tại thời điểm trên, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 1,2% so với cùng thời điểm năm 2019; ngành chế biến, chế tạo giảm 1,8%; sản xuất và phân phối điện không đổi; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,4%./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư​