Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030

Tin tức sự kiện  
Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030
(MPI) - Ngày 14/4/2022, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 460/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030.

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Chiến lược được phê duyệt với mục tiêu tổ chức huy động vốn vay đáp ứng nhu cầu của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ với chi phí vay hợp lý, phù hợp với mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo khả năng trả nợ; duy trì các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ ở mức an toàn, kiểm soát đối với nợ nước ngoài, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước; gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên đánh giá những tác động của vay vốn đến dư nợ công, nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ. Tập trung giải ngân hết nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã ký vay đến năm 2020. Việc huy động vay mới vốn vay nước ngoài tập chung cho một số lĩnh vực chủ chốt để đảm bảo phát được tối đa hiệu quả kinh tế theo quy mô; ưu tiên đầu tư cho các dự án trực tiếp thúc đấy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, có hiệu ứng lan tỏa như thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, giáo dục, y tế, công nghệ. Xây dựng một số chương tình đầu tư công để thực hiện một số dự án, công trình quan trọng, trọng điểm, có tính động lực, sức lan tỏa lớn và giải quyết các vấn đề phát triển quốc gia, vùng và liên kết vùng theo từng mục tiêu ưu tiên thay cho cách tiếp cận dự án riêng rẽ, phân tán; nâng cao tỷ trọng vay ngoài nước hỗ trợ ngân sách để tăng tính chủ động trong quản lý sự dụng vốn vay.

Kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng, việc đảm bảo nguồn trả nợ được Chính phủ bảo lãnh; quản lý các khoản bảo lãnh, đảm bảo đúng quy định, hiệu quả trong phạm vi hạn mức bảo lãnh, tập trung ưu tiên nguồn vốn để bảo lãnh cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư. Kiểm soát tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh Chính phủ không vượt quá tốc độ tăng GDP của năm trước. Lựa chọn một số công trình phát triển cơ sở hạ tầng có tính chất lan tỏa, có khả năng tạo nguồn thu trả nợ để Chính phủ cho vay lại từ nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm xây dựng các chương trình đầu tư công để thực hiện một số dự án, công trình quan trọng, trọng điểm, có tính động lực, sức lan tỏa lớn và giải quyết các vấn đề phát triển quốc gia, vùng và liên kết vùng, báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét phê duyệt.Thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công bao gồm nguồn vốn vay nợ công cho đầu tư phát triển; theo dõi, kiểm soát hoạt động vay, trả nợ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan có liên quan hoàn thiện thể chế chính sách và công cụ quản lý nợ và sẽ thực hiện thông qua hai giai đoạn, cụ thể:

Giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục rà soát các Luật, Nghị định, đề xuất nội dung sửa đổi để hoàn thiện về quy định thể chế, chức năng nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chính quyền địa phương đảm bảo nhất quán với quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017.

Giai đoạn 2026 - 2030, tổng kết, đánh giá Luật Quản lý nợ công 2017, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bổ sung, sửa đổi Luật Quản lý nợ công, hoàn thiện thể chế để triển khai có hiệu quả công tác quản lý nợ theo thông lệ quốc tế.

Thực hiện các công cụ, biện pháp quản lý nợ hiện đại; huy động, quản lý và sử dụng nợ hiệu quả.Tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch về huy động, quản lý và sử dụng nợ công, nâng cao định mức tín nhiệm quốc gia. Phát triển thị trường tài chính, thị trường vốn trong nước. Kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước từ các hoạt động bảo lãnh Chính phủ. Hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nợ công; đổi mới phương thức quản lý nợ công trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tiệm cận mô hình quản lý nợ tiên tiến của quốc tế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn vay công.

Về tổ chức thực hiện, Giai đoạn 1: triển khai thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia, Kế hoạch vay và trả nợ công 5 năm 2021-2025 theo các Nghị quyết các Quốc hội; xây dựng và thực hiện các chương trình quản lý nợ công 3 năm gối đầu và kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm; Giai đoạn 2: xây dựng và thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia, Kế hoạch vay và trả nợ công 5 năm 2026-2030; các chương trình quản lý nợ công 3 năm gối đầu và kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm./.

An Khanh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư​