Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tiếp tục triển khai thực hiện những giải pháp mạnh, quyết liệt hơn để hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ ...

Tin tức sự kiện  
Tiếp tục triển khai thực hiện những giải pháp mạnh, quyết liệt hơn để hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra
(MPI) – Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 diễn ra ngày 04/9/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, qua rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020, trong những tháng cuối năm 2020, để tăng trưởng năm 2020 ở mức dương và đạt kết quả cao nhất có thể, cần tiếp tục triển khai thực hiện kết hợp với xây dựng thêm những giải pháp mạnh, quyết liệt hơn nữa, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội của người dân và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Tập trung mọi nỗ lực tiếp tục thực hiện mục tiêu kép đã đề ra

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2020; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Theo Báo cáo, trong tháng 8/2020, cả nước đã tập trung mọi nỗ lực tiếp tục thực hiện mục tiêu kép đã đề ra, vừa kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả với nhiều giải pháp mới, hạn chế tối đa sự bùng phát đợt 2 của dịch trong năm 2020, vừa đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, nhất là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công bằng nhiều hành động cụ thể thông qua các đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ và Hội nghị trực tuyến với các địa phương.

Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch bệnh Covid-19 trong khi chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin mới ở giai đoạn thử nghiệm bước đầu, tình hình kinh tế toàn cầu và kinh tế - xã hội trong nước vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, cung cầu thế giới giảm mạnh, mất việc làm và giảm thu nhập ngày càng lan rộng. Tác động của đợt bùng phát lần 2 của dịch đã vượt quá khả năng chịu đựng một số ngành, lĩnh vực và nhiều doanh nghiệp, nhất là những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp như vận tải hàng không, du lịch, lưu trú, lữ hành, ăn uống, sản xuất dệt may, da giày, xuất khẩu nông sản...

Qua đánh giá tác động của dịch Covid-19 và ước thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội 8 tháng năm 2020 cho thấy, nếu không tiếp tục triển khai quyết liệt và xây dựng các giải pháp mới mạnh mẽ hơn cho các tháng cuối năm thì rất khó đạt được mục tiêu tăng trưởng dương (+). Nhiều chỉ số kinh tế - xã hội 8 tháng vẫn ở mức thấp, tín hiệu hồi phục chưa rõ nét, các động lực tăng trưởng ở mức yếu, một số vấn đề xã hội phát sinh như mất việc làm, giảm thu nhập, trật tự an toàn xã hội...

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) trong tháng tăng 0,07% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, CPI bình quân tăng 3,96% so với cùng kỳ, bước đầu được kiểm soát ở mức dưới 4% so với mục tiêu được Quốc hội giao. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng tăng 2,66%. Thị trường tiền tệ, tín dụng nhìn chung ổn định.

Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN tiếp tục được đẩy mạnh, 8 tháng đạt trên 221,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,08% kế hoạch (cùng kỳ đạt 41,39%). Trong tháng, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã có nhiều chỉ đạo giải pháp quyết liệt, tổ chức các đoàn công tác của Lãnh đạo Chính phủ, tổ chức hội nghị trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020, trong đó tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phân loại dự án, đẩy nhanh tiến độ hoàn công và thủ tục thanh toán tại Kho bạc...

Tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (FDI) 8 tháng đạt thấp, ước khoảng 19,54 tỷ USD, giảm 13,7% so cùng kỳ; giải ngân vốn FDI ước đạt gần 11,4 tỷ USD, giảm 5,1%. Mặc dù vậy, công tác triển khai thu hút đầu tư nước ngoài nhằm đón nhận sự dịch chuyển đang được triển khai rất tích cực, được cụ thể hóa bằng nhiều cuộc tiếp xúc của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn.

Sản xuất công nghiệp đối mặt nhiều khó khăn cả về cung do chuỗi cung ứng bị đứt gãy vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và về cầu do thương mại thế giới giảm mạnh và thị trường trong nước còn yếu. Khu vực dịch vụ trong tháng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bùng phát đợt 2, đặc biệt là ngành du lịch nội địa, lưu trú, lữ hành.

Tính chung 8 tháng, có gần 88,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2% so với cùng kỳ; doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cao kỷ lục, tăng 70,8%, trong đó đa số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động ngắn, quy mô nhỏ, chủ yếu ở các ngành nghề chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Tình hình tạm ngừng kinh doanh cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn lây lan mạnh trên toàn cầu, Việt Nam hội nhập sâu rộng, việc chống dịch Covid-19 cần được xác định là một cuộc chiến trường kỳ, cần phải chung sống với dịch bệnh khi chưa có vắc xin hoặc thuốc đặc trị. Việt Nam phải thực hiện mục tiêu kép, vừa đề phòng, phong tỏa kiên quyết, chặn đứng nguồn lây, khống chế hiệu quả dịch Covid-19, vừa phải duy trì hoạt động kinh tế - xã hội ở mức độ cần thiết, ổn định đời sống Nhân dân.

Có cơ chế, giải pháp, chính sách phù hợp kích thích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng

Các chủ trương, chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ đưa ra đến nay tương đối toàn diện, có mục đích cụ thể và đúng đối tượng. Tuy nhiên, một số chủ trương, chính sách đến nay đã hết hạn hoặc chưa phát huy tác dụng trên thực tế do chậm thể chế hóa, chưa được tổ chức triển khai kịp thời, quyết liệt; điều kiện, thủ tục khá phức tạp.

Do vậy, để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài Chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan xây dựng Báo cáo về các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ khắc phục các khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội trình Chính phủ.

Cùng với đó, để chuẩn bị cho việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 29/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành các văn bản hướng dẫn và đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xây dựng Kế hoạch; đồng thời đã 2 lần đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương, địa phương gửi báo cáo. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới nhận được báo cáo của 18/28 bộ, cơ quan trung ương, đồng thời, các báo cáo của các Bộ còn thiếu nhiều nội dung.

Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh rất khó khăn, nền kinh tế không rơi vào tình trạng suy thoái, vẫn giữ được mức tăng trưởng dương trong khi nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới dự báo có mức tăng trưởng âm. Ước thực hiện 12 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 vẫn có 5 chỉ tiêu đạt và 2 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra. Chính phủ nhất quán quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, có cơ chế, giải pháp, chính sách phù hợp kích thích mạnh mẽ ba động lực tăng trưởng chủ yếu, gồm: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép", kiên quyết phòng, chống đại dịch Covid-19, đồng thời tranh thủ cơ hội, phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó tăng trưởng cả năm đạt khoảng 2%, nếu điều kiện cho phép phấn đấu đạt khoảng 2,5%.

Bên cạnh các kết quả đáng ghi nhận nêu trên, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế tích tụ trong quá trình phát triển do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đã được chỉ ra tại báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội qua nhiều kỳ họp, như: Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn chậm. Kinh tế tư nhân chưa thực sự mạnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng lớn, kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tham gia chuỗi giá trị và mạng sản xuất khu vực và toàn cầu còn hạn chế. Các vấn đề xã hội còn một số bất cập, chênh lệch về mức sống, mức độ thụ hưởng các dịch vụ xã hội của người dân giữa các vùng, địa phương; an toàn xã hội như an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng không khí, xử lý rác thải,… còn một số bất cập gây bức xúc. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin nền tảng phục vụ phát triển chính quyền điện tử còn chậm…

Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên thế giới tuy có dấu hiệu dịu lại nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường và khả năng cao sẽ kéo dài cả năm 2021. Triển vọng kinh tế toàn cầu là rất khó khăn, các nước đối tác lớn suy thoái, dự báo khó phục hồi trong ngắn hạn và khả năng phục hồi trở lại trạng thái trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra sẽ cần thời gian khoảng 2-4 năm tùy thuộc mức độ tác động.

Theo đó, dự kiến tăng trưởng GDP năm 2021 đạt khoảng 6,7% với mục tiêu tổng quát là tập trung khắc phục khó khăn, khôi phục nền kinh tế, tận dụng thời cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống hạnh phúc của Nhân dân. Nâng cao đời sống Nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội. Chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020; tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020, dự toán NSNN năm 2021 và kế hoạch tài chính NSNN 3 năm quốc gia 2021 - 2023; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; tình hình triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP về phát triển Chính phủ điện tử, báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả kiểm tra của Tổ công tác tháng 8/2020…/.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư​