(MPI) – Ngày 05/11/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình số 7659/TTr-BKHĐT trình Chính phủ về Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Việc xây dựng Đề án nhằm tạo cơ chế thí điểm không chỉ đối với việc tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập mà còn bao gồm một số cơ chế bảo đảm việc thực hiện dự án giải phóng mặt bằng được tách riêng, nhằm tạo điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án có phạm vi sử dụng đất rõ ràng, rút ngắn thời gian hoàn thiện dự án, giảm chi phí giải phóng mặt bằng có thể phát sinh thêm sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, hạn chế việc điều chỉnh dự án. Tạo điều kiện đẩy nhanh xây dựng khu tái định cư, cho phép đi trước một bước so với việc thực hiện xây dựng, lắp đặt … dự án tổng thể.
Phân định, làm rõ trách nhiệm của từng cấp liên quan trong việc giải phóng mặt bằng của dự án, xác định đúng chủ thể liên quan trong việc áp dụng các chế tài xử lý, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, linh hoạt của các ngành, các cấp. Các bộ, cơ quan, địa phương xác định rõ về khả năng thực hiện và giải ngân của dự án, có cơ sở đề xuất nhu cầu vốn chuẩn xác hơn, công tác chuẩn bị thực hiện dự án được chuẩn bị tốt hơn, tránh việc chiếm dụng vốn. Công tác giải phóng mặt bằng được tách thành dự án độc lập, không tính vào thời gian thực hiện dự án, tạo thêm thời gian, giảm bớt áp lực về tiến độ thực hiện cho các khâu đấu thầu, xây lắp … qua đó gián tiếp nâng cao chất lượng công trình. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, tính khả thi của các dự án, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế đối với các dự án ODA có yêu cầu mặt bằng sạch và các cam kết của địa phương trong đóng góp vốn ngân sách nhà nước do mình quản lý trong thực hiện dự án.
Quan điểm xây dựng Đề án là xây dựng cơ chế, chính sách để tạo sự chủ động, thông thoáng, linh hoạt trong triển khai dự án; phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền từng cấp, từng ngành trong từng giai đoạn chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giảm chi phí; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Phát huy, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực sẵn có, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về hạ tầng, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Nghiên cứu tách công tác giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, không tập trung vào quy định, cơ chế, chính sách cụ thể liên quan đến việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật đất đai. Các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cần được giải quyết thông qua việc sửa đổi quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan. Áp dụng thí điểm theo cơ chế chọn lựa đối tượng dự án trên cơ sở đánh giá sự cần thiết, tính hiệu quả của chính sách thí điểm đối với việc thực hiện dự án, không triển khai rộng rãi cho tất cả các dự án. Cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án được quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm về việc tách riêng dự án giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, bảo đảm phát huy hiệu quả của chính sách, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, hạn chế tối đa việc gây ra các xáo trộn lớn trong quy định triển khai thực hiện.
Mục tiêu xây dựng Đề án nhằm cụ thể hóa nội dung về giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII quyết nghị tại Hội nghị lần thứ ba. Làm căn cứ để xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc tách dự án hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, trọng tâm là các dự án đầu tư công, dự án PPP cùng với các quy định, cơ chế thí điểm đối với nội dung này làm cơ sở xem xét, sửa đổi chính sách có liên quan.
Nội dụng chính sách thí điểm chính của Đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội bao gồm 03 nội dung chính: Quy định chung; Cho phép vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án của Bộ, cơ quan trung ương thực hiện trên địa bàn; Cho phép tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia thực hiện giải phóng mặt bằng và hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP được vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án PPP trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 60%.
Đề án đang được trình Chính phủ cho ý kiến về quan điểm, mục tiêu, phạm vi; nội dung các giải pháp của Đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Đề xuất giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đề xuất và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy trình rút gọn, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp Quốc hội tháng 12/2021. Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cụ thể chính sách thí điểm liên quan đến việc cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với việc thực hiện di dời công trình hạ tầng trong phạm vi dự án. Việc đề xuất chính sách cần thực hiện trên cơ sở phân tích, đánh giá kỹ thực trạng, mục tiêu, lợi ích và hạn chế của chính sách. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu chính sách cho phép thực hiện trước một số công tác trong việc giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư kinh doanh, xây dựng đô thị quy mô lớn (từ 200 ha trở lên) ngay từ giai đoạn dự án được chấp thuận chủ trương của cơ quan có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ) cho lập quy hoạch nhằm rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng, chuẩn bị sẵn quỹ đất cho việc thực hiện dự án./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư