Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2022

Tin tức sự kiện  
Tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2022
(MPI) – Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 31/5/2022, tổng số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 là 481.233,131 tỷ đồng, đạt 92,9% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Vốn ngân sách nhà nước năm 2022 ước thanh toán đến ngày 31/5/2022 là 115.922,47 tỷ đồng, đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vốn trong nước là 113.744,63 tỷ đồng, đạt 23,15% kế hoạch; vốn ngoài nước là 2.177,83 tỷ đồng, đạt 6,26% kế hoạch.

Năm 2022 là năm quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, là năm đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng và là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của đất nước, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng. Việc đẩy nhanh giải ngân và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội các dự án đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trước mắt và lâu dài. Vì vậy, để giải ngân 100% kế hoạch được Quốc hội quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân công rõ Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo địa phương phụ trách từng dự án; gửi báo cáo phân công đến Bộ Nội vụ để làm căn cứ đánh giá kết quả thi đua cuối năm; kết quả giải ngân của từng dự án là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn, ... chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án được giao quản lý.

Chính quyền các cấp phải tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất ... hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện. Tổ chức tuyên truyền cho người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của từng dự án, bảo đảm công khai, minh bạch tạo sự tin tưởng và đồng thuận của người dân trong việc triển khai thực hiện.

Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương trực tiếp xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc của các dự án được giao quản lý đang triển khai nhưng bị dừng lại do vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kết quả xử lý (bao gồm các kiến nghị nếu có).

Trong thời gian tới, nhiệm vụ cần triển khai đó là ban hành quy định nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ đúng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt, hạn chế tư duy nhiệm kỳ trong việc xây dựng, lựa chọn danh mục dự án đầu tư công, bảo đảm mục tiêu, hiệu quả đầu tư. Trong đó, xây dựng chế tài xử lý đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch được giao theo đúng thời gian quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước (trước ngày 31/12 năm kế hoạch), trả lại kế hoạch trong năm để khắc phục tình trạng lập kế hoạch không sát với khả năng thực hiện. Xây dựng và ban hành quy định về các hành động trước được pháp thực hiện đối với dự án đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị đầu tư (bố trí kinh phí nghiên cứu, trong trường hợp dự án không khả thi thì được phép hạch toán chi phí hợp lệ), công tác giải phóng mặt bằng, ...

Sớm sửa đổi và ban hành các quy định tại các Luật liên quan đến đầu tư công như Luật đất đai, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, ... bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm.

Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực thực thi công vụ, chuyên môn nhất là trong quản lý đầu tư xây dựng, ngân sách nhà nước của cán bộ công chức các cấp; gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc, bình xét thi đua người đứng đầu (Chủ dự án, Chủ đầu tư) với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án. Đào tạo, nâng cao năng lực quản lý của Ban Quản lý dự án các cấp; ban hành chính sách luân chuyển, điều động, kỷ luật đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát các vướng mắc về thể chế làm chậm quá trình phân bổ, giải ngân dự án; trên cơ sở đó sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản, … và các Luật có liên quan bảo đảm hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công thống nhất, phân cấp triệt để gắn với trách nhiệm của từng cấp./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư​